Dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định 17 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc không tham gia chữa cháy khi có khả năng.
Dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024). Đáng chú ý, dự thảo đã quy định 17 hành vi bị nghiêm cấm trong PCCC.
Theo đó, dự thảo cấm hành vi cố ý gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố có thể gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến môi trường, an ninh, trật tự.
Thứ hai, xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng thực hiện nhiệm vụ và người tham gia PCCC & CNCH.
Thứ ba, lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ PCCC & CNCH để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ tư, lợi dụng, lạm dụng hoạt động thẩm tra thiết kế, nghiệm thu, đánh giá an toàn về PCCC, kiểm định phương tiện PCCC & CNCH để vi phạm pháp luật.
Thứ năm, lợi dụng việc tham gia chữa cháy, CNCH để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ sáu, báo cháy giả; báo tình huống cần phải CNCH giả.
Thứ bảy, không báo cháy; không báo tình huống cần phải CNCH; không tham gia chữa cháy, CNCH khi có khả năng, điều kiện cho phép để thực hiện.
Thứ tám, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ.
Thứ chín, đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC theo quy định.
Thứ mười, lắp đặt, sử dụng thiết bị điện cho sinh hoạt, sản xuất, trên phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn PCCC.
Mười một, chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn PCCC theo quy định của pháp luật.
Mười hai, cung cấp sai thông tin để kiểm định, làm giả kết quả kiểm định phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ; đưa phương tiện PCCC & CNCH chưa được kiểm định hoặc kiểm định không đạt yêu cầu lưu thông trên thị trường.
Mười ba, không thực hiện giải pháp kỹ thuật về PCCC hoặc chuyển đổi công năng đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu an toàn PCCC.
Mười bốn, chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng trái phép phương tiện PCCC & CNCH; cản trở lối thoát nạn; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, đường thoát nạn, ngăn cháy lan.
Mười năm, lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy, CNCH cơ giới.
Mười sáu, thay đổi phương tiện, thiết bị, vật liệu xây dựng công trình, hạng mục công trình khác với kết quả thẩm định thiết kế không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC.
Mười bảy, thay đổi phương tiện, thiết bị, vật liệu xây dựng công trình khác với kết quả đã được thẩm định không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC.
Về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, nên có quy định chi tiết về phương thức và phương tiện PCCC cho nhà cao tầng. Bởi đây là khu vực tập trung rất đông người, địa hình cao nên các phương án chữa cháy, CNCH phải triển khai sẽ phức tạp, khó khăn hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong khi trực thăng chữa cháy chưa có, thang chữa cháy cũng chỉ đến tầng 20, cần có yêu cầu khác với những chung cư mới xây dựng để phòng ngừa trong trường hợp sự cố xảy ra bởi khi sự cố xảy ra thì rất khó khắc phục.